Số hoá trong lĩnh vực y tế: liệu chúng ta có khả năng đi ngược?

Số hoá trong lĩnh vực y tế: liệu chúng ta có khả năng đi ngược?

Số hoá trong lĩnh vực y tế sẽ đóng vai trò nâng cấp, tạo thêm giá trị cho các hoạt động marketing, vốn đã và đang dựa vào những nền tảng cốt lõi như: cuộc trình dược/ trình dược viên, các ấn phẩm, tài liệu in, hội thảo khoa học, hội nghị chuyên đề…

Câu chuyện về số hoá trong lĩnh vực y tế mà chúng ta thấy trên các phương tiện truyền thông chỉ là những con sóng nhỏ mà người tiêu dùng đang thấy. Một làn sóng lớn sẽ tới trong thời gian rất gần.

Cách mạng 4.0 đang thay đổi mạnh mẽ lòng tin của những người đã từng không tin vào nó. Từ một khái niệm mang tính chất thời thượng trở thành một thực tế rõ ràng. Bà Năm bán chè ở hẻm 10, Bến xe Miền Đông cũng đã có 1 online store cho mình. Bà Năm đã chứng minh cách mạng 4.0 không chỉ còn là “thời thượng”. Hơn ¾ dân số Việt Nam sử dụng internet, thời gian online trung bình là hơn 6 giờ/ngày. 2 con số vẽ ra 1 bức tranh rõ nét về cách chọn kênh tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp.

Khả năng đi ngược về offline, hoặc chỉ làm offline đang trở nên khó khăn và tốn nguồn lực. Những trao đổi trong các cuộc gặp của chúng tôi với Zalo, Grab, Momo, Payoo… thật sự làm tôi ngỡ ngàng. Câu chuyện về số hoá mà chúng ta thấy trên các phương tiện truyền thông chỉ là những con sóng nhỏ mà người tiêu dùng đang thấy. Một làn sóng lớn sẽ tới trong thời gian rất gần. Làn sóng số hoá đòi hỏi chúng ta – với góc nhìn doanh nghiệp – cần phải hiểu thật đầy đủ và chuẩn bị nguồn lực ngay từ bây giờ.

Việc số hoá trong lĩnh vực y tế đang được đánh giá là chậm. Đánh giá này, cá nhân tôi thấy không sai. Nhưng cần bổ sung thêm lý luận “vì sao chậm?”.

Thứ nhất, Y tế là một ngành “đặc thù” hơn các ngành nghề khác khi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ – thứ quý nhất của con người. Không phải ngẫu nhiên, Google đưa y tế vào list các website thuộc YMYL (Your Money or Your Life). Theo đó, thông tin y tế được đánh giá khắc khe nhất bằng bộ tiêu chí nghiêm ngặt EAT (Expertise, Authoritativeness, Trustworthiness).

Thứ hai, Y tế cần sự cẩn trọng. Mỗi bước tiến giống như một quá trình trong thử nghiệm thuốc. Mỗi sự vội vàng, hấp tấp có thể sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Từ thứ ba trở đi, bạn có thể giúp tôi bổ sung…

1. Số hóa trong lĩnh vực y tế có thể tăng tốc?

Có! Tôi thấy được 2 điều kiện chủ chốt: (1) Nhu cầu và nguồn lực của xã hội (2) Quyết tâm và chủ trương của nhà nước. Về điều số (1), Covid-19 trong năm 2020 là động lực để xã hội nhìn nhận về vai trò của y tế và số hoá trong lĩnh vực y tế một cách đầy đủ hơn. Nhu cầu về y tế thông minh lên rất cao. Trong tình hình đó, đã có rất nhiều doanh nghiệp khởi động những ý tưởng, giải pháp số hoá cho y tế.

Điều kiện số (2), Tại hội nghị Chuyển đổi số 29-30/12/2020, Chính phủ & Bộ Y tế đã phát ra thông điệp mạnh mẽ và kế hoạch rõ ràng về việc số hoá y tế. Nó tạo ra sự vững tin cho những cá nhân, tổ chức muốn “chơi lớn” trong lĩnh vực này. Liệt kê những dịch vụ rất được quan tâm và chúng ta được nghe rất nhiều là “đang số hoá”: hệ thống công nghệ thông tin quản lý bệnh viện (HIS), bệnh án điện tử (EMR), hồ sơ sức khoẻ điện tử (EHR), thanh toán điện tử, đặt lịch hẹn trực tuyến, tư vấn trực tuyến, chẩn đoán hình ảnh…

so-hoa
Nhiều dịch vụ “đang số hóa” gây chú ý như: hệ thống công nghệ thông tin quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử, đặt khám và thanh toán trực tuyến…

2. Ngành kinh doanh dược phẩm sẽ số hóa như thế nào?

Ba đối tượng quan trọng nhất của một doanh nghiệp dược phẩm là: Bệnh nhân, Bác sĩ và Bệnh viện. Hoạt động Marketing đã và đang dựa vào những công cụ, nền tảng cốt lõi như: cuộc trình dược/ trình dược viên, các ấn phẩm, tài liệu in, hội thảo hội nghị chuyên đề,…Cho đến nay, các công cụ này vẫn còn thể hiện rõ tầm quan trọng. Số hoá sẽ đóng vai trò nâng cấp, tạo thêm giá trị cho các hoạt động này.

Ví dụ 1: Cuộc trình dược đang được số hoá bằng các cuộc trao đổi qua các nền tảng trực tuyến (Zalo, Viber, Teams, Zoom…). Việc này giảm nguồn lực về thời gian, khoảng cách; gia tăng sự thuận tiện; mang đến một hiệu quả khá tốt. Tương tác trực tiếp người với người là không thể thay thế – đó là lý do tôi nói “khá tốt”.

Ví dụ 2: Các chương trình hội thảo khoa học cũng được số hoá thành các online webinar, virtual meeting, eCME… Việc này giúp các bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia một các chủ động và tiết kiệm rất nhiều chi phí tổ chức.

Ví dụ 3: Các ấn phẩm brochure, leaflet giấy đang dần được cải tiến thành file hình ảnh, inforgraphic, ảnh gif, video ngắn để có thể dễ dàng chia sẻ qua các nền tảng messaging. Một tài liệu có thể gửi đến 1000 khách hàng trong một lúc mà không gặp trở ngại về thời gian, khoảng cách.

so-hoa
Số hóa xuất hiện trong nhiều hoạt động Marketing dược phẩm: các cuộc trình dược, hội thảo, tài liệu quảng cáo…

Trên đây là 3 ví dụ về số hoá cho các hoạt động cốt lõi đã và đang được sử dụng. Thế còn những hoạt động mới? Số hoá giúp được gì? Tôi sẽ không liệt kê, thay vào đó, là một số câu hỏi mang tính chất mở đường thảo luận.

Chúng ta có muốn tiếp cận nhiều bệnh nhân hơn theo một cách tốt hơn? Chúng ta có muốn đóng vòng “patient journey” của chính mình và cập nhật một cách real-time thông tin trên hành trình ấy? Chúng ta có mong muốn trao đổi hiệu quả và thường xuyên hơn với bác sĩ, dược sĩ? Và muốn đánh giá được số lượng và chất lượng cuộc trao đổi? Chúng ta có muốn tạo ra một sự gắn kết bệnh nhân – bác sĩ – bệnh viện mà ở đó, doanh nghiệp của chúng ta đóng vai trò chất gắn kết?…

Nếu đa số câu trả lời là “có”, rõ ràng là bạn không thể nào phủ nhận vai trò của số hóa trong lĩnh vực y tế.

Một lưu ý quan trọng: số hoá trong lĩnh vực y tế không chỉ là phát triển mobile app, xây dựng website, một fanpage… mà tất cả các công cụ, kỹ thuật cần dựa vào chiến lược kinh doanh. Ví dụ: một trong những xu hướng gần đây là đào tạo liên tục từ xa, hay khám chữa bệnh từ xa (telehealth).  Việc phân tích, đánh giá, lựa chọn dựa cần gắn chặt với tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp. 3 ý mà tôi nghĩ là tiêu chí để lựa chọn bao gồm: hiệu quả cao, sự bền vững và có khả năng scale-up.

Báo cáo xu hướng số hóa trong lĩnh vực y tế tại Đức do Strategy& được khảo sát trong năm 2020 cũng có thể là thước đo giúp doanh nghiệp bạn tìm được hướng đi phù hợp.

3. Tạm kết

Khi việc ứng dụng digital vào kinh doanh đã trở thành tất yếu, chúng ta cần chuẩn bị thật tốt NGAY LÚC NÀY. Chậm, chúng ta sẽ mất những lợi thế rất to lớn. Chậm, chúng ta sẽ kéo theo sự giảm tốc, giảm năng động của doanh nghiệp. Chậm, chúng ta có thể làm mờ hình ảnh của doanh nghiệp trong suy nghĩ của khách hàng, đối tác. Vậy, nếu không thể đi ngược, nếu đằng nào cũng phải đi tới thì sao không ĐI NGAY TỪ BÂY GIỜ?

Tác giả

Việt Nguyễn

Managing Director | HEDIMA

RELATED POST