Hệ thống công nghệ thông tin quản lý bệnh viện (HIS) là gì?

Hệ thống công nghệ thông tin quản lý bệnh viện (HIS) là gì?

Qua đại dịch Covid-19, khi mà quá trình số hóa của ngành chăm sóc sức khỏe diễn ra nhanh hơn dự đoán, chúng ta đều nhận thấy rằng việc quản lý dữ liệu bệnh nhân là một gánh nặng trên hệ thống y tế nói chung, cũng như từng bệnh viện nói riêng. Vậy một hệ thống quản lý thông tin bệnh nhân cần đáp ứng những điều kiện gì?

1. Hệ thống công nghệ thông tin quản lý bệnh viện (HIS) là gì?

Hệ thống công nghệ thông tin quản lý bệnh viện (health information system – HIS) là một hệ thống được thiết kế để quản lý thông tin và dữ liệu bệnh nhân. Hệ thống đó phải đảm bảo được các tính năng thu thập, dự trữ, quản lý và chuyển giao bệnh án điện tử của bệnh nhân. Hệ thống hay phần mềm này giúp các bệnh viện dễ dàng xử lý thông tin của bệnh nhân, và có thể sử dụng thông tin đó một cách dễ dàng khi cần đến.

Hệ thống này phải xử lý những dữ liệu liên quan đến tất cả hoạt động của bệnh viện, hay các tổ chức sức khỏe. Những thông tin này có thể được thu thập với mục đích cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay dành cho các nghiên cứu khoa học. Vì hệ thống này luôn được truy cập, xử lý và duy trì với một lượng lớn các thông tin cá nhân khá nhạy cảm, nên vấn đề bảo mật được ưu tiên hàng đầu. 

Hệ thống công nghệ thông tin quản lý bệnh viện (HIS)
Hệ thống công nghệ thông tin quản lý bệnh viện (HIS)

2. Một số ví dụ của hệ thống công nghệ thông tin quản lý bệnh viện

Hệ thống công nghệ thông tin quản lý bệnh viện được sử dụng bởi tất cả các đối tượng tham gia trong hoạt động, từ bệnh nhân đến nhân viên y tế, và nhân viên hành chính cũng như lãnh đạo bệnh viện. 

Sau đây, là một vài ví dụ các tính năng cần có trong hệ thống công nghệ thông tin quản lý bệnh viện:

2.1. Bệnh án điện tử (electronic medical record) 

Trước đây, bệnh án của bệnh nhân được bác sĩ ghi chép và lưu trữ trên giấy, việc này dẫn đến khó kiểm soát thông tin cũng như chuyển giao dữ liệu diễn ra khá khó khăn. Với sự phát triển của công nghệ, thông tin của bệnh nhân được ghi chép trên máy tính, bệnh án điện tử giúp tiết kiệm nhiều thời gian và đảm bảo thông tin được lưu trữ đầy đủ và chính xác.

Tại Việt Nam, chúng ta đã thấy những cơ sở bệnh viện lớn đã sử dụng các ứng dụng giúp lưu trữ hồ sơ bệnh án, và bệnh nhân sẽ nhận được một bản in đính kèm vào sổ khám sức khỏe. Tuy nhiên, những cơ sở nhỏ hay tư nhân hiện vẫn chưa có một hệ thống hay quy trình cụ thể, các bác sĩ vẫn viết tay bệnh án và chỉ có một bản được bệnh nhân mang theo ở mỗi lần tái khám. 

Dù hệ thống y tế của chúng ta còn gặp nhiều thách thức, việc chuyển đổi sang bệnh án điện tử là việc tất yếu sẽ diễn ra dựa trên những lợi ích mà hệ thống mang lại. 

Những lợi ích cũng như những vấn đề mà hệ thống bệnh án điện tử có thể hỗ trợ cho nhân viên y tế dễ dàng truy cập và quản lý thông tin bệnh nhân:

  • Hệ thống bệnh án điện tử giúp các nhân viên y tế tránh các sai sót, tiết kiệm thời gian làm hồ sơ, dễ dàng truy cập và có đầy đủ hồ sơ bệnh án trước đó của bệnh nhân. 
  • Hệ thống này giúp giải quyết vấn đề chuyển giao bệnh án khi bệnh nhân thay đổi cơ sở điều trị. Khi bệnh nhân muốn thay đổi bệnh viện, họ thường sẽ phải tạo lại hồ sơ mới, và mang sổ khám bệnh cùng các kết quả xét nghiệm trước đó. Việc này gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh cũng như phát sinh chi phí xét nghiệm khi nhân viên y tế không có đủ thông tin về tình trạng bệnh lý trước đây. 
  • Hệ thống này rất cần thiết trong những trường hợp cấp cứu, khi có một hệ thống lưu trữ thông tin chung, các bác sĩ có thể truy cập kịp thời để đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác. 
  • Hệ thống còn giúp ích trong hoạt động chăm sóc bệnh nhân trước và sau khi khám. Về phía nhân viên y tế, hệ thống có thể nhắc các bác sĩ khi đến thời điểm bệnh nhân cần thực hiện lại các xét nghiệm cần thiết.. Đồng thời, những dữ liệu này có thể tạo tính năng nhắc bệnh nhân giờ hẹn khám bệnh hay đặt lịch cho lần khám sau. 
Ví dụ hệ thống bệnh án điện tử
Ví dụ hệ thống bệnh án điện tử

2.2 Phần mềm quản lý (practice management software)

Khác với hồ sơ bệnh án, phần mềm quản lý tập trung vào các dữ liệu liên quan đến các vấn đề quản lý và thủ tục. Phần mềm có thể giúp nhân viên dễ theo dõi lịch khám, số lượng bệnh nhân, cũng như việc chi trả các hóa đơn.  

Phần mềm quản lý bệnh nhân
Phần mềm quản lý bệnh nhân

2.3 Cổng thông tin bệnh nhân (Patient Portal)

Cổng thông tin bệnh nhân cho phép người sử dụng có thể truy cập tất cả thông tin cá nhân của họ bao gồm bệnh án, phương án điều trị, hay các toa thuốc. Ngoài ra, cổng thông tin này có thể cung cấp cho bệnh nhân các tính năng như đặt lịch hẹn khám, hay thanh toán online. 

Cổng thông tin bệnh nhân
Cổng thông tin bệnh nhân

Tại Việt Nam, chúng ta chưa có một ứng dụng nào có đầy đủ chức năng như thế. Với xu hướng toàn cầu, cổng thông tin bệnh nhân ngày càng phổ biến, và được các bệnh viện tập trung phát triển. Bệnh nhân có tâm lý tin tưởng và đánh giá cao tính minh bạch cũng như tiện lợi khi hệ thống cổng thông tin bệnh nhân hoạt động hiệu quả.

Ứng dụng sổ sức khỏe điện tử
Ứng dụng sổ sức khỏe điện tử

Khi đợt sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM, app “Sổ sức khỏe điện tử” là một ví dụ của hệ thống cổng thông tin bệnh nhân. Hầu hết, ở giai đoạn đầu chúng ta chỉ tập trung vào tính năng cập nhật tiêm chủng của ứng dụng.

Tuy nhiên cổng thông tin bệnh nhân này còn cung cấp 2 tính năng quan trọng: hồ sơ sức khỏe và đặt khám. Với hồ sơ sức khỏe, ngoài thông tin tiêm chủng, app còn lưu trữ các thông tin như lịch sử khám – tư vấn, đơn thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. 

Hai tính năng này chưa thật sự tối ưu và gây nhiều khó khăn cho người dùng. 

Vì nhu cầu cấp bách, với lượng người sử dụng rất lớn, app cũng tồn tại nhiều lỗi hệ thống cũng như thông tin cập nhật chưa được nhanh chóng. Nhưng không thể phủ nhận rằng, đây vẫn là một ứng dụng nên được đầu tư và cải thiện trong tương lai. 

2.4. Thiết bị theo dõi sức khỏe từ xa (remote patient monitoring)

Cùng với sự phát triển của telemedicine (thăm khám từ xa), thiết bị theo dõi sức khỏe từ xa được xem là một công cụ cần thiết nhất trong quá trình tư vấn sức khỏe trực tuyến. Ngoài những biểu hiện lâm sàng, thì các bác sĩ sẽ dựa trên các chỉ số để đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Để tối ưu độ chính xác và thông tin được cập nhật liên tục cho bác sĩ, chức năng này thường được thiết kế riêng cho từng bệnh viện hay cơ sở y tế dưới dạng phần mềm trên máy tính hay ứng dụng trên điện thoại. Một số ví dụ về tính năng của thiết bị theo dõi từ xa như đo nhịp tim, huyết áp, đường huyết, calories, màn hình giám sát từ xa (đề phòng các trường hợp té ngã), theo dõi điều trị vô sinh, hay xét nghiệm tại nhà (dành cho các bệnh nhân lạm dụng chất kích thích). 

Thiết bị theo dõi sức khỏe từ xa
Thiết bị theo dõi sức khỏe từ xa

2.5 Kinh nghiệm lâm sàng (clinical decision support)

Nếu hệ thống lưu trữ những kinh nghiệm lâm sàng hoạt động hiệu quả, nó sẽ góp phần giúp việc đánh giá cũng như quyết định phác đồ điều trị tốt hơn dựa trên những bằng chứng trong kho dữ liệu. Công cụ này giúp các bác sĩ lọc được thông tin mà mình muốn kiếm nhanh chóng cũng như dự đoán trước tình trạng tiến triển của bệnh. 

3. Case study: ứng dụng chăm sóc sức khỏe YouMed 

Tính năng teletheath của ứng dụng chăm sóc sức khỏe YouMed
Tính năng teletheath của ứng dụng chăm sóc sức khỏe YouMed

Một ví dụ khác tại Việt Nam là app “YouMed” với 3 tính năng chính: đặt lịch khám bệnh, tư vấn trực tuyến và tin y tế. Với đặt lịch khám, người dùng có thể lựa chọn giữa hẹn khám với bác sĩ, chuyên khoa, phòng khám hay bệnh viện. Sau ba năm xây dựng và hoàn thiện app, cũng như chiếm được lòng tin của ban lãnh đạo các bệnh viện, nền tảng này là một công cụ tiện lợi giúp người dùng tiết kiệm thời gian với sự lựa chọn đa dạng nơi khám chữa bệnh. 

Trong giai đoạn đại dịch, YouMed cho ra mắt tính năng tư vấn trực tuyến (telehealth) hoàn toàn miễn phí. Người dùng dễ dàng sử dụng tính năng này sau khi đăng kí tài khoản trên app. Ứng dụng cung cấp thông tin về bác sĩ như chuyên khoa, nơi làm việc,… người dùng hoàn toàn có thể lựa chọn bác sĩ phù hợp với tình trạng của bản thân và đặt lịch hẹn khám trực tuyến. 

Tạm kết

Tuy chúng ta còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc áp dụng công nghệ vào hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhưng những lợi ích mà những công cụ này mang lại là không thể phủ nhận. Chắc rằng ban lãnh đạo của các bệnh viện và cơ sở y tế cũng đặt mục tiêu hoàn thiện hệ thống lên hàng đầu. Hy vọng trong tương lai gần, hệ thống công nghệ thông tin quản lý bệnh viện sẽ trở thành cánh tay phải đắc lực của bộ máy vận hàng bệnh viện.  

Tác giả

Nguyễn Ngọc

RELATED POST