Video marketing dược phẩm chắc không còn là khái niệm quá mới mẻ trong ngành dược. Tuy ngân sách khá tốn kém, nhưng video marketing thật sự là một vũ khí hiệu quả với các chiến dịch DTC. Sử dụng tốt công cụ này giúp marketer tăng đáng kể nhận diện thương hiệu – lợi ích lâu dài mà bất kì doanh nghiệp nào cũng mong muốn có được.
Video marketing là gì?
Video marketing là các video được tạo ra với mục đích quảng cáo và giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp đến người tiêu dùng. Video marketing dược phẩm được các nhãn hàng đầu tư để giới thiệu sản phẩm thuốc đến đối tượng mục tiêu cho từng chiến dịch.
Với nội dung độc đáo và ấn tượng, video marketing có thể thu hút khách hàng, tăng nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên với đặc thù về sự tuân thủ của ngành dược, những video marketing dược phẩm được công bố rộng rãi thường chỉ dành riêng cho các chiến dịch DTC: thuốc OTC, và thực phẩm chức năng.
Ngoài ra, hội thảo khoa học, hay các khóa học đào tạo y khoa cũng được các hãng tận dụng phát hành video marketing dược phẩm tinh tế nhắm vào đối tượng nhân viên y tế.
4 bước để xây dựng nên một video marketing hiệu quả
Thông điệp “đủ” và “hay”
Marketer luôn phải ý thức rằng “Content is king” luôn đúng với bất kì hoạt động marketing nào. Điểm níu chân khách hàng không chỉ là hình thức truyền đạt mà còn là nội dung thông điệp của bạn.
Vậy thế nào là một thông điệp “đủ” dành cho video marketing dược phẩm?
Trước mỗi chiến dịch, bạn cần phải xác định chính xác mục tiêu và đối tượng mục tiêu của video marketing. Một thông điệp “đủ” là thông điệp truyền tải đầy đủ nội dung buộc phải có để đạt được mục tiêu đề ra như: thông tin sản phẩm, thông tin nhãn hàng, “signature” của thương hiệu.
Nếu là video giới thiệu thuốc, bạn cần phải đánh bật lên tính năng của sản phẩm, hay ý kiến chuyên gia về sản phẩm. Còn một video với mục đích tăng nhận thức bệnh lý thì phải bao gồm các thông tin nguyên nhân, triệu chứng, hướng điều trị, hay ý kiến của bệnh nhân.
Sự khác biệt của video marketing dược phẩm “hay” và “đủ” là gì?
Một video hay là một video có hồn, có câu chuyện, và nhất là “bắt đúng mạch” của người xem. Có thể bạn sẽ phản đối, nhưng một câu chuyện hay chưa hẳn đến từ nội dung câu chuyện mà đến từ cái cách người kể chuyện dẫn dắt cảm xúc của bạn!
Để tạo ra một thông điệp hay, yêu cầu bạn phải thấu hiểu người xem, việc nghiên cứu và phân tích insight là một bước rất quan trọng trong marketing dược. Ví dụ: bạn khó có thể thuyết phục nhân viên y tế bằng những câu chuyện sướt mướt vì họ chỉ tin vào các báo cáo khoa học.
Nhưng đem các tài liệu nghiên cứu, hàn lâm đến với người bệnh thì hoàn toàn không phù hợp. Đôi khi, bạn sẽ phải xây dựng nên một câu chuyện cảm động mang tính tự sự, rồi khéo léo lồng ghép thông điệp. Dù video marketing dược không hề nêu lên các chỉ số hiệu quả của thuốc, nhưng hình thức “kể chuyện” lại dễ tiếp cận với khán giả đồng thời dễ chiếm được tình cảm của khách hàng.
Panadol đã thành công trong việc khắc họa tốt insight: những lo toan của người phụ nữ vì chăm lo cho gia đình một mùa tết sum vầy. Dù truyền tải thông điệp ngắn gọn, nhưng việc mang lại cảm xúc “được cảm thông”, video đạt 24 triệu view trên Youtube và được lan truyền rộng rãi trên social media.
Hãng dược phẩm Dermatix Ultra lại thể hiện một cách tiếp cận với đối tượng mục tiêu độc đáo hơn bằng cách cải biên giai điệu bài hát quen thuộc của bản “trống cơm” để truyền tải tính năng “trị sẹo” một cách vui nhộn, dễ hát, và dễ nhớ.
Kênh truyền thông của video marketing
Để video marketing của bạn được truyền tải cho đúng đối tượng người xem, bạn cần thực hiện nghiên cứu phân tích và đưa ra lựa chọn kênh truyền thông thích hợp. Việc đưa ra lựa chọn này hoàn toàn dựa vào chân dung khách hàng cũng như hành trình khách hàng (customer journey) mà bạn đã đề ra.
Với nhóm đối tượng người xem trẻ trung, bạn có thể cân nhắc đến social media, nên thông thông tin được lan tỏa một cách nhanh chóng. Nhưng nếu thuốc của bạn hỗ trợ người lớn tuổi, thì các kênh truyền hình quốc gia mới là công cụ lý tưởng.
Việc lựa chọn kênh truyền thông cũng dựa trên ngân sách và những điều khoản của từng nền tảng. Ví dụ: quảng cáo trên Facebook sẽ ít tốn kém hơn đài truyền hình, nhưng Facebook rất nghiêm ngặt về việc quảng cáo các sản phẩm liên quan đến sức khỏe và hoàn toàn không hỗ trợ chạy ads cho các sản phẩm thuốc.
Sử dụng KOLs và chiến dịch marketing influencer
Sau khi nhà lãnh đạo Bob Dole tạo nên sự thành công cho chiến dịch marketing dược Viagra của hãng dược phẩm Pfizer, chiến dịch influencer biến thành công cụ hiệu quả trong việc lan tỏa thông điệp trong cộng đồng.
Một trong những chiến dịch dược phẩm sử dụng influencer tại Việt Nam là chiến dịch “Đại dịch mất ngủ” – sự bắt tay đầy bất ngờ của hãng dược phẩm Eco với gương mặt đại diện cho nhiều thương hiệu, Sơn Tùng MTP.
Nhìn vào thành công của chiến dịch này, bạn có thể thấy không chỉ macro-influencer như Sơn Tùng mới tạo sức ảnh hưởng mà doanh nghiệp của bạn còn có thể bắt tay với những chuyên gia đầu ngành, blogger nổi tiếng về sức khỏe hay những người dân bình thường đã sử dụng sản phẩm.
Theo báo cáo của Nielsen (2019), 92% người tiêu dùng tin vào giới thiệu của bạn bè, người thân và những người họ tin tưởng hơn là quảng cáo của chính thương hiệu.
Call-to-action (CTA) của video marketing
Cuối cùng, một video marketing cần có một CTA cụ thể để thúc đẩy hành động của khách hàng. CTA của video marketing dược phẩm có thể trực tiếp như tìm đến các địa điểm mua thuốc, hay gián tiếp như xem thêm thông tin tại landing page hay liên hệ bác sĩ để được tư vấn. Bạn có thể tạo ra một lộ trình khách hàng với nhiều “điểm chạm” (touch point) như xây dựng website marketing, hoặc chiếm được lòng tin của nhân viên y tế để họ sẵn sàng giới thiệu sản phẩm khi video marketing đem lại hiệu quả như mong đợi.
Tạm kết
Video marketing dược phẩm là công cụ rất hiệu quả giúp thông điệp của bạn được lan tỏa một cách nhanh chóng. Bởi vì khác với các công cụ marketing như hình ảnh hay bài viết, video mang cả 4 yếu tố: hình ảnh, nội dung, âm thanh và chuyển động. Nó tác động lên người xem ở nhiều giác quan – đặc biệt là cảm xúc.