Tháng đầu tiên của năm 2021 đã trôi qua và như thường lệ, WeAreSocial & HootSuite đã công bố bản báo cáo số liệu tháng 01/2021 về tình hình thị trường Digital thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Vậy xu hướng Digital tại Việt Nam cho đến tháng đầu năm có gì thay đổi? Hãy cùng Hedima tìm hiểu tình hình sử dụng các nền tảng kỹ thuật số tại Việt Nam trong tháng đầu năm 2021 qua bài viết dưới đây nhé!
Số liệu tổng quát toàn cầu
Trước khi đến với báo cáo thị trường Việt Nam, cùng điểm qua một vài số liệu nổi bật về tình hình Digital trên toàn cầu. Từ đó, đưa ra bức tranh tổng quát và giúp các Marketer phần nào thấy được liệu Việt Nam có thật sự đang hòa mình trong cuộc đua đầy khốc liệt này.
Theo đó, tính tới tháng đầu năm 2021, thế giới có 4,66 tỷ người đang sử dụng Internet (chiếm 59,5% so với tổng dân số), trong khi lượng người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến đã chạm đến con số 4,20 tỷ người, tăng 13,2% (xấp xỉ 490 triệu người) so với tháng 1 năm ngoái. Cụ thể, Facebook, Youtube và Whatsapp là 3 nền tảng xã hội trực tuyến được sử dụng nhiều nhất thế giới.
Tổng quát hoạt động thương mại điện tử toàn cầu được thực hiện khảo sát trên những người sử dụng Internet toàn cầu trong độ tuổi từ 16 – 64 và cho ra kết quả như sau: 81,5% người tìm kiếm Online sản phẩm hoặc dịch vụ, trong đó có đến 76.8% đã thực hiện hoạt động mua hàng Online.
Số liệu Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất, tính đến hiện nay, tổng dân số Việt Nam đạt 97,75 triệu dân (+0,9%), với tỷ lệ giới tính tương đối cân bằng và độ tuổi trung bình là 32.7. Tuy vậy, số thuê bao di động lên tới 154,4 triệu (chiếm 157,9% so với dân số Việt Nam), 68,72 triệu người dùng Internet (+0,8%) và 72 triệu người dùng mạng xã hội (+10,8%).
Tỷ lệ người Việt Nam sở hữu thiết bị di động là 97%, laptop/máy tính bàn là 66,1%, máy tính bảng là 31,9%. Với tỷ lệ sử dụng các thiết bị nhiều như vậy, dự đoán rằng có 3 hoạt động người dân dành nhiều thời gian nhất trong một ngày bao gồm sử dụng Internet, sử dụng mạng xã hội và xem truyền hình.
Những con số “biết nói” này cho thấy mức độ xâm nhập của Internet cũng như là các nền tảng Digital vào cuộc sống của người Việt Nam là vô cùng lớn và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Dưới đây là những số liệu trình bày cụ thể hơn về tình hình sử dụng các nền tảng Digital ở thị trường Việt Nam trong tháng 01/2021.
1. Internet
Theo báo cáo, có tới 68,72 triệu người sử dụng Internet trên mọi thiết bị (70,3% dân số), tăng 551 nghìn (+0,8%), trong đó thời gian mỗi người bỏ ra cho việc sử dụng Internet là 6 tiếng 47 phút (chiếm hơn 25% thời gian trong ngày), đây quả thực là một con số khá lớn.
Khi sử dụng Internet, 97,6% người dùng Internet xem video online, 61,2% xem vlog, 73,2% sử dụng dịch vụ nghe nhạc trực tuyến, 44,4% nghe nhạc radio và 37,9% nghe/ xem podcast. Bên cạnh đó, các xu hướng mới được người dân Việt Nam đón nhận và ứng dụng ngày một nhiều. Cụ thể, 44,4% lượt sử dụng tìm kiếm bằng giọng nói, 14,2% người sử dụng các thiết bị nhà thông minh….
2. Phương tiện truyền thông xã hội
Hiện nay, Việt Nam có 72 triệu người dùng các phương tiện truyền thông xã hội (tăng 7 triệu so với năm ngoái – tương ứng với 11%) và chiếm 73,7% dân số cả nước, với thời gian trung bình là 2 tiếng 21 phút. Không chỉ là giải trí, mạng xã hội còn mang lại khá nhiều lợi ích trong công việc hàng ngày của bạn với 62,6% người sử dụng để tìm kiếm thương hiệu và 55,9% người sử dụng vào mục đích công việc. Một điều thú vị khác có thể khiến một vài bạn bất ngờ chính là mỗi người dùng Internet trung bình sở hữu 9.9 tài khoản mạng xã hội!
Với tình hình dịch bệnh vẫn còn vô cùng phức tạp cùng với lệnh giãn cách xã hội, Youtube đã vượt mặt ông lớn Facebook để trở thành nền tảng xã hội được sử dụng nhiều nhất, các vị trí tiếp theo lần lượt là Zalo, Facebook Messenger và Instagram.
Các số liệu Marketer cần quan tâm về các nền tảng này có thể kể đến như:
- 87,3% số người dùng các quảng cáo Facebook có thể tiếp cận đến tại Việt Nam
- 68,1% số người dùng các quảng cáo Messenger có thể tiếp cận đến tại Việt Nam
- 61,6% số người dùng các quảng cáo Youtube có thể tiếp cận đến tại Việt Nam
- 12,2% số người dùng các quảng cáo Instagram có thể tiếp cận đến tại Việt Nam
- 5,2% số người dùng các quảng cáo LinkedIn có thể tiếp cận đến tại Việt Nam
- 1,6% số người dùng các quảng cáo Twitter có thể tiếp cận đến tại Việt Nam
3. Điện thoại di động
Số lượng thuê bao di động tại Việt Nam đã gấp 1,58 dân số nước ta hiện nay (154,4 triệu thuê bao) với tổng số tiền người tiêu dùng bỏ ra cho các ứng dụng di động trong năm 2020 là $290 triệu. Trong đó 89% là thuê bao trả trước và 64% thuê bao có kết nối từ 3G-5G.
Trong các hoạt động trên thiết bị di động, ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội chiếm tỷ lệ cao nhất (lần lượt là 94,7% và 94,5%). Theo sau là các ứng dụng giải trí và xem video (83,4%), bản đồ (72,4%), mua sắm (68,5%), nghe nhạc (58,0%), chơi game (57,2%), ngân hàng (40,1%), sức khỏe (24,4%) và cuối cùng là hẹn hò (10,7%).
Dưới đây lần lượt là 3 báo cáo về các ứng dụng di động được xếp hạng theo 3 tiêu chí được We Are Social và Hootsuite nghiên cứu và tổng hợp:
- Top các ứng dụng nhiều người dùng hoạt động hàng tháng nhất
- Top các ứng dụng nhiều lượt download nhất
4. Nền tảng Thương mại điện tử
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid vẫn còn hoành hành, kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. Thế nhưng, nhân cơ hội đó, nền tảng Thương mại điện tử Việt Nam lại nổi lên như một điểm sáng với những bước phát triển nhất định.
Theo thống kê báo cáo, 30,8% người Việt Nam trên 15 tuổi có tài khoản với một tổ chức tài chính, trong đó 4,1% sử dụng thẻ tín dụng, 33% sử dụng các dịch vụ thanh toán di động và 82,4% người dùng Internet chi tiền cho các nội dung Digital (Ebook, Download nhạc,…).
Về Consumer Goods (B2C): $132 là số tiền mỗi người Việt bỏ ra để mua sắm các sản phẩm tiêu dùng trong năm 2020. Đồng thời, báo cáo còn chỉ ra lượng cụ thể chi cho từng ngành hàng, bao gồm:
- 3,18 tỷ dành cho du lịch, di chuyển và nhà ở (-40,5%).
- 1,57 tỷ dành cho thiết bị điện tử (+32,6%)
- 1,44 tỷ dành cho thời trang và sắc đẹp (+37,2%)
- 1,09 tỷ dành cho đồ gia dụng và nội thất (+33,6%)
- 1,02 tỷ dành cho thực phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân (+45,9%)
Bên cạnh đó, các ứng dụng gọi xe chạm mốc 38,8%, các dịch vụ giao đồ ăn online là 56% và số người tìm kiếm thông tin sản phẩm online trước khi quyết định chiếm 56,5%.
5. Digital Marketing
Các số liệu báo cáo được khảo sát dựa trên những người sử dụng Internet từ 16 – 64 tuổi:
Về Brand Discovery: Đa số người Việt khám phá thương hiệu mới thông qua hai kênh chính là Công cụ tìm kiếm (Search Engines) với 37% và Quảng cáo truyền hình (Ads on Television) với 36.2%.
Về Brand Research: Kênh tìm kiếm thương hiệu phổ biến nhất tại Việt Nam là các mạng xã hội (Social Networks) với 62.6%, đứng thứ hai là các công cụ tìm kiếm (Search Engines) với 56.6% và thứ 3 là đánh giá từ người tiêu dùng (Consumer Reviews) với 40%.
Về Total Digital Ad Spend: Bất chấp Covid-19, tổng chi tiêu quảng cáo ngành digital năm 2020 ước tính khoảng $290 triệu, tăng 9,2% so với năm 2019.
Bên cạnh đó, giá trị tăng trưởng của thị trường quảng cáo Digital cũng được báo cáo theo số liệu như hình dưới đây.