Công nghệ ngày càng phát triển thì càng có nhiều loại hình quảng cáo online mới ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của công chúng. Tuy vậy, OOH vẫn chiếm giữ một vị thế riêng và rất được ưa chuộng bởi những tiện ích mà nó mang lại cho thương hiệu và doanh nghiệp. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây của HEDIMA để biết thêm về loại hình này nhé!
1. OOH là gì?
Trong lĩnh vực marketing, khi nói đến quảng cáo OOH nghĩa là nhắc đến hình thức quảng cáo ngoài trời (out-of-home) như biển quảng cáo, pano, billboard, quảng cáo trên phương tiện giao thông (xe bus, taxi)… Ngoài ra, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy loại hình quảng cáo này trong thang máy, siêu thị, trung tâm thương mại cũng được xếp vào kênh OOH.
OOH là một danh mục mở rộng và ngày nay thể hiện khoản chi tiêu khoảng 29 tỷ đô la trên các thị trường chính trên thế giới. Một số nhà quảng cáo quan trọng nhất trên thế giới, bao gồm McDonalds, Apple, Amazon, HBO và Coca-Cola, đều sử dụng thường xuyên và rộng rãi các định dạng OOH khác nhau trong các chiến dịch của họ.
Thị trường và thị hiếu của khách hàng luôn thay đổi, quảng cáo OOH liên tục làm mới mình và tận dụng triệt để những lợi thế sẵn có. Hiện nay, quảng cáo ngoài trời đã trở thành một công cụ truyền thông quan trọng trong các chiến dịch marketing của nhiều doanh nghiệp.
Tác dụng nổi bật nhất của OOH chính là tiếp cận được một lượng lớn đối tượng hàng ngày. Tuy nhiên, COVID lan rộng ra toàn thế giới đã khiến nhiều nước trên thế giới đưa ra các lệnh giãn cách xã hội, người dân bị hạn chế ra khỏi nhà. Điều này đồng nghĩa với việc những loại hình quảng cáo ngoài trời trở nên vô cùng kém hiệu quả. Vì thế, các thương hiệu cũng buộc phải cắt giảm rất lớn nguồn ngân sách cho OOH. Vì thế, có thể nói năm 2020 là một năm đầy biến động và khủng hoảng đối với OOH. Theo WFA, chi tiêu cho quảng cáo ngoài trời đã giảm 49% so với kế hoạch đã đặt ra và giảm 39% trong nửa cuối năm 2020.
Song song với thách thức thì COVID-19 cũng mang lại cơ hội chuyển minhf cho OOH. Khi mọi người ít ra ngoài, họ sẽ có có xu hướng cảm thấy “mệt mỏi” và chán nản với các thiết bị điện tử, Internet và có ý thức nhiều hơn về các trải nghiệm ở ngoài trời. Theo báo cáo khảo sát của OAAA:
- 68% mọi người cảm thấy họ dành quá nhiều thời gian trên màn hình điện tử và không thích các quảng cáo trực tuyến.
- 69% đánh giá cao hơn về môi trường ngoài trời xung quanh họ.
- 45% chú ý đến các bảng quảng cáo và các phương tiện truyền thông OOH khác nhiều hơn trước khi đại dịch bắt đầu.
2. Lợi ích của OOH
Nâng cao nhận thức thương hiệu
OOH là hình thức quảng cáo ngoài trời tại những địa điểm đông đúc với sự hiện diện 24/7 nên rất dễ thu hút sự chú ý của công chúng. Nếu việc đầu tư quảng cáo truyền hình tốn rất nhiều kinh phí và dễ dàng bị công chúng quên lãng chỉ sau 2 tuần thì với OOH marketing, khi kết thúc, có đến 36% vẫn còn nhớ chiến dịch, sau 6 tuần, nhận thức của mọi người về quảng cáo vẫn ở mức cao, tương đương 35%.
Với các thương hiệu sử dụng OOH để marketing sản phẩm/dịch vụ, nên cân nhắc kỹ đến mục tiêu và loại hình kinh doanh để có vị trí quảng cáo hợp lý, đến đúng đối tượng khách hàng tiềm năng. Ví dụ, với các thương hiệu về thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe thì nên tiếp cận quảng cáo tại các bệnh viện, các trung tâm y tế; hay các thương hiệu có sản phẩm, nhãn hàng đánh vào phân khúc khách hàng có thu nhập khá trở lên thì nên gia tăng quảng cáo tại sân bay, các trung tâm thương mại;…
Thúc đẩy người tiêu dùng hành động
Quảng cáo ngoài trời có tác động rất lớn đến nhóm người tiêu dùng có nhu cầu chi tiêu cao và dành nhiều thời gian ở bên ngoài. Nghiên cứu chỉ ra, khi người tiêu dùng ra ngoài, họ sẽ ở trong một tư duy tích cực và dễ bị cuốn hút trước các thông điệp quảng cáo mới đầy ấn tượng ngoài trời. Khi hành động đó được lặp lại nhiều lần, những biển quảng cáo đó sẽ giúp nâng cao nhận thức thương hiệu, củng cố thông điệp, thúc đẩy point-of-purchase và chuyển đổi hành vi mua sắm.
Một lợi ích khác của OOH mà người mua trên các phương tiện truyền thông yêu thích là theo nghiên cứu do Ocean Neuroscience thực hiện, người tiêu dùng có khả năng tương tác với quảng cáo trên thiết bị di động cao hơn 48% sau khi nhìn thấy cùng một quảng cáo OOH. Nghiên cứu tương tự của Nielsen và OAAA cho chúng ta biết rằng 46% người lớn tham gia cuộc khảo sát đã lên mạng để tìm kiếm sản phẩm mà họ thấy trên quảng cáo của OOH. Hơn bất cứ điều gì, quảng cáo OOH tạo thêm độ tin cậy cho thương hiệu và các chiến dịch của thương hiệu.
Hướng tới đa dạng nhóm khách hàng
Quảng cáo OOH rất thích hợp và thịnh hành bởi lẽ có đến 98% người dân thường xuyên tiếp xúc với quảng cáo ngoài trời ít nhất 1 lần/tuần. Hơn thế nữa hình thức quảng cáo này còn hướng đến đa dạng tập khách hàng, từ khách du lịch, người lao động tự do đến sinh viên, dân văn phòng…., đáp ứng những mục tiêu của người tiêu dùng trong việc mua sắm. Bởi vậy mà OOH là kênh truyền thông hướng tới đa dạng nhóm khách hàng, đảm bảo ai cũng có thể thấy sự hiện diện của các thương hiệu quảng cáo.
3. Các loại hình OOH
Transit
Transit là hình thức quảng cáo trên các loại phương tiện công cộng mà phổ biến nhất tại Việt Nam là xe bus, taxi, tàu, thuyền… Với nhiều ưu điểm nổi bật như chi phí thấp, độ lan tỏa rộng, tính đa dụng cao, quảng cáo trên xe cá nhân mang đến một hướng tiếp cận mới thích ứng với đối tượng xê dịch của thời kỳ này.
Billboard
Billboard là hình thức quảng cáo thể hiện trên các biển quảng cáo, áp phích lớn, thường đặt ở những vị trí cao như trên nóc nhà, tường của các tòa nhà lớn.
Billboard cũng thể hiện trên các khu vực có mật độ giao thông cao như trên các hộp đèn, bảng chiếu điện tử, quảng cáo công nghệ cao như màn hình đèn LED, màn hình LCD, màn hình cảm ứng,…
POSM
POSM là viết tắt của Points of Sales Material, là hình thức quảng cáo phụ trợ trực quan. POSM thường được thực hiện tại các gian hàng trưng bày tại các siêu thị lớn, khu vui chơi giải trí,… dưới dạng các Poster, Dangler (dây treo sản phẩm quảng cáo), hộp, gian hàng, tờ rơi, tủ kệ, wobblers (gắn sản phẩm),…
Street Furniture
Street Furniture được hiểu là hình thức quảng cáo đường phố. Đây là loại hình này có số lượng tương đối nhiều, vị trí vô cùng đa dạng. Street Furniture được thể hiện trên những tấm biển hiệu quảng cáo ven đường, ghế xe bus, ghế công viên, bản tin ở ngoài phố, bốt điện thoại công cộng,…
Roadshow
Có thể hiểu, Roadshow là sự kiện quảng cáo di động trên đường phố. Đây là hình thức quảng cáo cực kỳ phổ biến và được nhiều doanh nghiệp triển khai nhằm mở rộng độ phủ thương hiệu. Các phương tiện diễu hành đường phố cùng các hình ảnh nổi bật giúp mọi người dễ dàng nhận biết thương hiệu với đội ngũ PG, PB mặc đồng phục có logo nhãn hàng, có thể mang theo tờ rơi, poster, banner,… nhằm thu hút chú ý từ cộng đồng.
Banner
Banner được hiểu là bảng biểu quảng bá thương hiệu. Banner có 2 loại:
- Banner đường phố, biển hiệu cửa hàng: là những bảng biểu to, hình ảnh bắt mắt và thông tin mà thương hiệu muốn truyền tải, thường được đặt ở những nơi đông người qua lại hoặc đặt trên cao để thu hút sự chú ý của người đi đường.
- Banner quảng cáo trên online: được gọi là quảng cáo hiển thị hình ảnh, hoạt động trên nền tảng Internet dễ dàng bắt gặp mỗi khi online. Nếu thường xuyên xem tin tức, bạn có thể thấy được rằng những banner quảng cáo online thường xuyên xuất hiện ở mọi nơi.
Poster
Poster là hình thức quảng cáo với ấn phẩm truyền thông phổ biến thể hiện thông điệp của các nhãn hàng. Thiết kế poster thường chứa hình ảnh (như biểu tượng, bức hình, tranh vẽ) và từ ngữ để có thể truyền đạt thông điệp một cách tốt nhất.
Trong lĩnh vực Marketing, Poster thường được chia làm 3 loại chính: Poster quảng cáo, Poster nghệ thuật và Poster truyền tải thông tin cộng đồng.