Content strategy: Đừng viết “cho qua”, hãy viết “cho chiến lược”

Content strategy: Đừng viết “cho qua” mà hãy viết ”cho chiến lược”

Cảm giác đầu tiên khi bạn nhận được một yêu cầu viết content là gì? Không biết bắt đầu từ đâu? Mông lung, sắp xếp câu chữ như thế nào cho logic? Để rồi cuối cùng bạn góp nhặt những ý vụn vặt tạo thành một bài viết đủ chữ, sửa tới sửa lui rồi đăng lên website hay Facebook nhưng kết quả chẳng thu lại được là bao. Khi đó, content strategy chính là nền tảng giúp bạn định hướng nội dung của mình và khắc phục những vấn đề bạn đang gặp phải khi bắt tay vào viết nội dung.

1. Content strategy là gì?

1.1. Content strategy

Bước đầu tiên khi tìm hiểu định nghĩa chính là bóc tách từng khái niệm bên trong nó. Vậy “chiến lược” (strategy) trong “chiến lược nội dung” nghĩa là gì? Chiến lược là một kế hoạch bao gồm những nguyên tắc, khuôn mẫu, cách thức, chiến thuật để định hướng cho việc thực thi một công việc nào đó được hiệu quả hoặc đạt được mục tiêu chính đã đề ra.

Do đó, ta có thể hiểu xây dựng một “chiến lược nội dung” (content strategy) là việc đưa ra định hướng và khung sườn vững chắc để phát triển, sáng tạo, quản trị và duy trì nội dung. Những định hướng này phải bao gồm từ khóa SEO, loại nội dung, văn phong, quy trình đăng bài, đi bài,… Một content strategy tốt giúp đảm bảo nội dung của bạn gắn liền với thương hiệu nhưng vẫn đến được với khách hàng mục tiêu và không lệch với nhu cầu của họ.

Đối với những lĩnh vực marketing đặc thù như chăm sóc sức khỏe, việc xây dựng một content strategy là bước đầu tiên và không thể thiếu. Ở đây, content strategy không những định hình nội dung đưa ra là một công cụ marketing để thu hút bệnh nhân hay quảng bá thương hiệu, mà còn phải đảm bảo sự tin cậy, chính thống về mặt thông tin.

Content strategy đóng vai trò quan trọng trong marketing dược có sử dụng content là phương tiện chính.
Content strategy đóng vai trò quan trọng trong marketing dược có sử dụng content là phương tiện chính.

1.2. Content strategy vs. Content marketing strategy

Nhiều marketer hay content creator rất dễ nhầm lẫn hai khái niệm này với nhau. Content marketing strategy sẽ cụ thể hóa những kế hoạch của content strategy. Nói một cách dễ hiểu, content marketing strategy sẽ giúp người viết lập ra kế hoạch chi tiết về những chuyên mục, chủ đề sẽ bao quát; kế hoạch viết bài theo văn phong đã được đưa ra trong content strategy; kế hoạch đăng bài, đi bài trên những kênh truyền thông phù hợp. Mục đích cuối cùng của content marketing strategy chính là thay đổi suy nghĩ, thái độ của khách hàng mục tiêu với nhãn hàng và khuyến khích hành động.

Ví dụ đơn giản, nếu chúng ta xây dựng content strategy và content marketing strategy cho website một nhãn hàng về thuốc nhỏ mắt

  • Content strategy: Cung cấp những nội dung hữu ích liên quan đến mắt, được viết bởi bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn.

  • Content marketing strategy: Các chủ đề bài viết bao gồm các bệnh về mắt, những thực phẩm tốt cho mắt,… thiết kế dưới dạng album/ video/ infographic, được phân chia theo từng tháng và được viết bởi các bác sĩ nhãn khoa.

2. Các bước xây dựng một content strategy hiệu quả

2.1. Xác định mục tiêu của chiến lược nội dung

Trước khi xây dựng bất kì một chiến lược nào bạn cần phải trả lời câu hỏi “tại sao”. Content strategy cũng không ngoại lệ. Tại sao bạn lại tạo nội dung này? Bắt đầu bằng việc đặt ra mục tiêu sẽ giúp bạn tập trung hơn vào con đường phải đi, tránh bị phân tâm và dễ dàng hơn trong việc xác định điều gì tốt nhất cho chiến lược của mình. Mục tiêu thường thấy của các content strategy là xây dựng tệp khách hàng, từ đó giúp tăng doanh thu hoặc tìm kiếm những khách hàng tốt hơn, trung thành hơn với nhãn hiệu.

Bạn có thể cụ thể hóa mục tiêu của mình bằng các chỉ số như traffic, lượt chia sẻ trên mạng xã hội hoặc chuyển đổi thương mại điện tử,…. Mục tiêu càng chi tiết bao nhiêu thì bạn càng dễ tìm được hướng đi cho website bấy nhiêu.

Xác định mục tiêu giúp bạn tập trung hơn và tránh bị phân tâm
Xác định mục tiêu giúp bạn tập trung hơn và tránh bị phân tâm

2.2. Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh

Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh gồm có hai loại: đối thủ thương mại và đối thủ cạnh tranh nội dung.

  • Về đối thủ thương mại: bạn cần tìm hiểu về giá trị thương hiệu của những đối thủ này, sản phẩm của họ có những đặc điểm gì nổi bật và hơn hẳn sản phẩm của bạn, họ có những đề xuất bán hàng độc đáo nào và cách họ truyền đạt chúng tới khách hàng như thế nào?

  • Về đối thủ nội dung: nội dung của bạn khác gì so với thông tin của đối thủ? Tại sao người sử dụng nên chọn nội dung của bạn thay vì nội dung của người khác? Ví dụ nội dung của bạn đầy đủ hơn, hướng dẫn chi tiết hơn, hình ảnh và bố cục đẹp hơn, có cấu trúc rõ ràng, phân phối nhiều kiến thức và trải nghiệm,….

Đồng thời, ở bước này, bạn cũng nên xây dựng mô hình SWOT và phác thảo những trở ngại cũng như cơ hội mà bạn có thể gặp phải khi thực hiện kế hoạch của mình.

2.3. Xây dựng chân dung khách hàng mục tiêu

Để phát triển một chiến lược nội dung thành công, bạn cần xác định rõ đối tượng mục tiêu của nội dung. Biết đối tượng mục tiêu giúp bạn tạo ra những nội dung phù hợp và có giá trị hơn mà họ muốn đọc.

Đối tượng mục tiêu ở đây chính là người đã và sẽ mua những sản phẩm của bạn. Để xác định được đối tượng mục tiêu, bạn cần trả lời một số câu hỏi: Bạn muốn nhắm đến một nhóm người mới hay mở rộng thị trường mục tiêu hiện tại? Bạn có muốn giữ cùng một đối tượng mục tiêu không?

Sau khi xác định được đối tượng mục tiêu, bạn cần xây dựng một bản đồ mô tả những đối tượng bạn muốn hướng tới. Một số đặc điểm mà bạn cần khi xây dựng content strategy bao gồm nhân khẩu học (tuổi, giới tính, thu nhập,…), tâm lý học (sở thích, nhu cầu,…), chu kỳ tương tác nội dung, hành vi, hoạt động trên mạng xã hội/ website,….

Khắc họa chân dung đối tượng mục tiêu giúp định hướng nội dung của bạn
Khắc họa chân dung đối tượng mục tiêu giúp định hướng nội dung của bạn

2.4. Xây dựng quy chuẩn viết bài

Các quy chuẩn viết bài sẽ giúp bạn đảm bảo được tính nhất quán cho tất cả các bài viết và đạt được mục tiêu SEO.

Cụ thể, bạn cần xác định được văn phong, thiết kế, hình ảnh của bài đăng ra sao; những chủ đề nào nên hay không được viết, cách thức từ lúc phê duyệt đến lúc bài đăng ra sao,… Quy chuẩn viết bài cũng bao gồm những đặc điểm nội dung và thông điệp bạn muốn truyền đạt, lồng ghép câu chuyện về thương hiệu trong các bài viết như thế nào,….

Quy chuẩn viết bài cho các bài viết trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cần phải được tạo ra một cách chi tiết và kĩ lưỡng. Bắt đầu bằng việc lấy nguồn tham khảo ở đâu đến việc viết nội dung như thế nào để tránh gây nhầm lẫn nhưng vẫn khai thác được cảm xúc ở người đọc đều phải được quy định rõ ràng.

2.5. Lựa chọn kênh phân phối nội dung

Có vô số các kênh phân phối nội dung, lựa chọn kênh phù hợp sẽ giúp nội dung của bạn đến đúng người. Ở bước này, bạn phải quyết định các nền tảng bạn sẽ sử dụng để kể câu chuyện của mình; tiêu chí, quy trình và với từng tiêu chí thì mục tiêu của bạn là gì? Bạn sẽ kết nối khách hàng mục tiêu của mình như thế nào để họ tạo ra một cuộc thảo luận tích cực liên quan đến thương hiệu.

2.6. Đặt lịch kiểm tra nội dung

Kiểm tra nội dung là quá trình phân tích và đánh giá một cách có hệ thống tất cả nội dung trên trang web của bạn. Mục tiêu cuối cùng là tiết lộ điểm mạnh và điểm yếu trong content strategy và điều chỉnh kế hoạch nội dung cho phù hợp với các mục tiêu đã đề ra ngay từ ban đầu. Việc kiểm tra nội dung thường xuyên giúp bạn xác định nội dung cần được cải thiện hoặc có thể được chuyển đổi sang các định dạng khác.

Kiểm tra nội dung là bước cuối cùng và không thể thiếu trong content strategy
Kiểm tra nội dung là bước cuối cùng và không thể thiếu trong content strategy

Tạm Kết

Tóm lại, content strategy giúp bạn chuyển các mục tiêu kinh doanh thành một kế hoạch sử dụng nội dung làm phương tiện chính để đạt được mục tiêu đó. Không những cần viết hay, những bài viết mà bạn xây dựng cần phải đáp ứng đúng nhu cầu của đúng đối tượng mục tiêu. Khi đó, content strategy sẽ đưa ra một khung sườn để bạn vẫn có thể sáng tạo nhưng vẫn được kiểm soát trong khuôn khổ..

Tác giả

Hiền Phan

Copywriter | HEDIMA

RELATED POST