Trong “vũ trụ” agency, copywriter và content writer được xem là những “ngôi sao hàng đầu” thuộc hệ content marketing. Nhiều người, thậm chí kể cả những người đang làm việc tại hai vị trí này vẫn nghĩ copywriter hay content writer là một và hiển nhiên đều thực hiện những công việc như nhau. Thực tế có phải như vậy?
1. Copywriter và content writer: Hai tông cùng màu
1.1 Màu của ngôn từ
Trước khi phân biệt copywriter và content writer, bạn cần phải hiểu rõ hai khái niệm cơ bản là CONTENT và COPY. CONTENT dịch sang tiếng việt nghĩa là “nội dung”. Nội dung có thể bao gồm bài viết, hình ảnh, video, âm thanh, mùi hương hay là bất kì thứ gì ta dùng để truyền đạt thông tin đến một đối tượng cụ thể nhằm đáp ứng một mục tiêu cụ thể.
Trong khi đó, COPY mang nghĩa hẹp hơn, ý chỉ phần văn bản dạng chữ trên các mẫu quảng cáo. So sánh với định nghĩa về content ở trên thì quảng cáo cũng là một loại nội dung, được sản xuất nhằm tác động đến hành vi, thói quen mua hàng của người tiêu dùng.
Nhìn chung, người viết (writer) các content hay copy là những người sử dụng từ ngữ, câu văn, nhiều trường hợp là cả dấu câu để tạo ra các sản phẩm tiếp cận và thuyết phục khách hàng. Copywriter và content writer thường hay xem chữ nghĩa là màu sắc và dùng nó để tô vẽ cho nội dung của mình. Sản phẩm của content writer và copywriter không chỉ đơn thuần là một hiệu ứng nghệ thuật ngôn từ mà còn hàm chứa rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm về tâm lý khách hàng và nghệ thuật bán hàng.
1.2 Màu của sự sáng tạo
Harry Adler cho rằng sáng tạo là “cái vỗ nhẹ vào não phải” làm bật ra những ý tưởng, tạo nên những điều mới mẻ. Giữa hàng triệu nội dung lướt qua, chính sự sáng tạo sẽ giúp sản phẩm/ thương hiệu lọt vào mắt xanh của khách hàng chỉ trong vài giây ngắn ngủi.
Cả hai công việc copywriter và content writer đều đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo cao trong việc viết lách để làm bật ra những ý tưởng, tạo nên những điều mới mẻ. Có lẽ vì điều này mà nhiều người chuyên về content lâu năm đôi lúc còn chưa phân biệt rõ hai loại hình nghề nghiệp này và vẫn bối rối khi bắt gặp.
2. Copywriter và content writer: Nhưng vẫn là những cá tính khác biệt
2.1 Khác biệt trong mục đích viết
Mục đích viết bài được xem là điểm khác biệt lớn nhất giữa copywriter và content writer.
- Copywriter là người chuyên viết những mẫu quảng cáo cho thương hiệu hoặc sản phẩm. Mục đích mà copywriter hướng tới chính là thuyết phục người đọc thay đổi một nhận thức hoặc tạo ra một hành động (mua hàng, nhận tư vấn về sản phẩm, download,…), thúc đẩy doanh số bán hàng thông qua sức mạnh nội dung từ các quảng cáo, câu chuyện truyền thông. Vì thế, copy writer sẽ mô tả sự vật hiện tượng theo đúng cách độc giả muốn và cần, để đưa sản phẩm đến gần hơn với người đọc. Những sản phẩm của copywriter thường chuyên sâu hơn và chạm tới insight khách hàng.
- Nhiệm vụ của content writer là xây dựng mối quan hệ và niềm tin với khách hàng bằng cách cung cấp thông tin có giá trị và hữu ích cho người tiêu dùng, dù cho những thông tin này có thể không liên quan gì đến sản phẩm. Thông qua phân tích tâm lý, content writer sẽ tạo ra những nội dung rộng và đi theo xu hướng của truyền thông hoặc thị trường. Khác với copywriter, content writer sẽ mô tả sự vật hiện tượng theo cách mà nó vốn có. Những sản phẩm của content writer giúp tăng sự chú ý vào sản phẩm và chỉ mang tính hỗ trợ hoạt động bán hàng.
2.2 Khác biệt về hình thức viết và kênh truyền tải
Các bài viết của Copywriter thường ngắn gọn, thậm chí có thể chỉ gói gọn trong vài chữ. Thế nhưng, chỉ vài chữ ấy thôi cũng đủ để chứa đựng toàn bộ thông điệp, giúp kiến tạo cảm xúc nơi khách hàng. Sản phẩm mà Copywriter tạo ra thường là tagline cho sản phẩm, tên thương hiệu, campaign line, call to action… Ngoài ra, copywriter còn chịu trách nhiệm viết nội dung cho các clip quảng cáo TVC, salekit bán hàng, nội dung hiển thị cho website, brochure.
Đến đây, có lẽ bạn cũng đã nhận ra những slogan “để đời” như “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” hay “Bảo Xuân: gìn giữ nét xuân” hay YouMed: rút ngắn khoảng cách y tế” chính là những sản phẩm do các copywriter tạo nên.
Đối với content writer, họ chuyên thực hiện các nội dung liên quan đến post fanpage, bài PR, bài giới thiệu sản phẩm, bài viết trên website hay thông cáo báo chí. Dung lượng bài viết của content writer thường dài hơn và bao quát hơn. Các sản phẩm của content writer được truyền tải qua các kênh blog, social media, magazine, e-book, ….
2.3 Khác biệt về cách tiếp cận người dùng
- Content writing:
Content writer cần nhiều thời gian nghiên cứu để nắm bắt tâm lý khách hàng và hành trình mua hàng. Các content writer chọn cách tiếp cận khách hàng theo hướng nhẹ nhàng, “mưa dầm thấm lâu” để dần lấy được niềm tin nơi khách hàng. Việc xây dựng mối quan hệ chính là điều kiện tiên quyết cho bất kì hoạt động nào.
Content writer sẽ là người bắt đầu lên kế hoạch, tạo dựng nền tảng và triển khai các bước tiếp cận khách hàng tiềm năng.
- Copywriting:
Trái ngược với content writer, copywriter chọn hướng đi “đánh nhanh thắng nhanh” để thúc đẩy khách mua hàng và từ đó tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Dựa trên những nền tảng có sẵn, các copywriter phải tư duy sáng tạo để lồng ghép một số nội dung (hình ảnh, video, câu chuyện,…) chạm đến người dùng. Điều này đòi hỏi người làm cần có khả năng nắm bắt xu hướng, cập nhật điều mới để luôn làm mới mình.
Tạm kết
Maya Angelou – nhà thơ của sự thông thái từng nói: “When you know better, you do better”. Danh ngôn trên đã phần nào khẳng định bạn sẽ phát triển đúng hướng khi bạn biết rõ mình đang làm gì. Phân biệt rõ ràng giữa copywriter và content writer giúp các bạn xác định được rõ con đường sự nghiệp phù hợp với những điểm mạnh của mình mà từ đó phát huy hết được tiềm năng của bản thân.