Internet xuất hiện và mang theo rất nhiều đổi thay đến cuộc sống con người. Với sự xuất hiện của hàng loạt loại hình công nghệ mới trên internet, phương thức tiếp cận khách hàng mục tiêu dường như đã được “số hóa”. Do đó, từ khóa “digital marketing” hay còn gọi là Marketing kỹ thuật số đã ra đời.
Thế nhưng, dù ngày càng trở nên phổ biến, nhưng digital marketing vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn hình thức tiếp thị truyền thống, hay còn được biết đến là Marketing truyền thống. Ngày nay, mỗi 30 giây để một thương hiệu trình chiếu quảng cáo trong sự kiện Super Bowl 2021 đang có giá khoảng 5,6 triệu đô.
Vậy marketing truyền thống là gì và tại sao giữa “kỷ nguyên số”, hình thức marketing nghe có vẻ cũ kỹ này vẫn được ưa chuộng đến thế?
Marketing truyền thống hay tiếp thị truyền thống là gì?
Marketing truyền thống là phương pháp tiếp thị trực tiếp, cách mà các doanh nghiệp sử dụng để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình đến người tiêu dùng cho đến những năm 1990 khi Internet bắt đầu xuất hiện. Đó chính là những bảng quảng cáo ngoài trời, cuốn catalogue sản phẩm đính kèm trong mỗi giỏ hàng hay mẫu thử nước hoa bạn nhận được khi mua sản phẩm mới.
Có thể thấy, so với phiên bản hiện đại digital marketing, marketing truyền thống giống như một bậc tiền bối đầy kinh nghiệm, nhưng cũng đã có “tuổi”.
Thế mà chúng ta vẫn còn thấy sự hiện diện của phương pháp marketing này trong cuộc sống hiện đại, trở thành một phần không thể thiếu của bất kỳ chiến dịch quảng bá nào.
Tất cả nhờ giá trị cốt lõi: tập trung vào vào việc mang đến sản phẩm một cách trực diện đến người dùng.
Điểm đặc biệt của Marketing truyền thống
Tiếp cận trực tiếp: Đây chính là sự khác biệt dễ dàng nhận ra ở phương pháp tiếp thị truyền thống và kỹ thuật số. Mô hình 4P phổ biến trong marketing mix bao gồm sản phẩm (product), giá cả (price), kênh phân phối (place) và khuyến mãi (promotion) được lập chiến lược và thực hiện hoàn toàn bằng kênh trực tiếp, tách biệt với hoạt động của kênh trực tuyến.
Các loại hình quảng cáo ngoài trời (OOH), quảng cáo bằng tờ rơi hay điện thoại bán hàng,.. chính là những công cụ của tiếp thị truyền thống.
Phân khúc rộng: Điều quan trọng cần phải lưu ý của tiếp thị truyền thống là chúng tập trung truyền tải thông điệp đến đại chúng chứ không phải đến một nhóm đối tượng cụ thể. Điều đó có nghĩa là các chiến lược tiếp thị truyền thống không thể dựa trên phân khúc đối tượng mục tiêu một cách chi tiết như dựa trên độ tuổi, giới tính, thu nhập, hành vi,…
Mối quan hệ chặt chẽ: Các kênh tiếp thị truyền thống giúp tạo uy tín và xây dựng mối quan hệ giữa nhà phân phối và người mua hàng thông qua tiếp xúc trực tiếp, thực hiện khảo sát,… Có thể nhắc đến một công cụ điển hình của quảng cáo (promotion) trong mô hình 4P truyền thống là bán hàng trực tiếp.
Khách hàng và người bán hàng có thể tương tác với nhau, điều này giúp người bán hàng thấy rõ những cử chỉ, tâm trạng của khách hàng, từ đó đưa ra những gợi ý phù hợp. Hơn nữa, nhóm khách hàng mục tiêu tại các địa phương chưa tiếp cận sâu sắc với kỹ thuật số có xu hướng tin tưởng các phương pháp tiếp thị truyền thống hơn là tiếp thị kỹ thuật số.
Giá trị sâu sắc: Tiếp xúc trực tiếp là một trong những khía cạnh đặc biệt của tiếp thị truyền thống. Thông qua liên kết này giữa nhân viên bán hàng và khách hàng, thương hiệu cũng được kết nối trực tiếp với khách hàng. Điều này góp phần hình thành nên sự trung thành với thương hiệu cũng tạo ra nhiều giá trị hơn cho doanh nghiệp.
Đáng tin cậy: Vì sự có mặt lâu đời cũng như độ phủ rộng, khách hàng coi đây là hình thức tiếp thị đáng tin cậy hơn so với tiếp thị kỹ thuật số. Họ thường đưa ra các quyết định quan trọng sau khi được ảnh hưởng bởi các hoạt động tiếp thị truyền thống.
Thu hút lượng đối tượng lớn: Các chiến lược tiếp thị truyền thống đảm bảo việc tiếp cận một nhóm đối tượng lớn từ những phân khúc khác nhau thông qua các công cụ của nó như quảng cáo ngoài trời là một ví dụ. Cho dù là người lớn tuổi hay học sinh cấp 3, họ đều có cơ hội tiếp cận với bảng quảng cáo được đặt trên con đường mỗi ngày đi học, đi làm.
Tầm quan trọng của marketing truyền thống
Tiếp thị truyền thống rất quan trọng ngay cả trong thời đại kỹ thuật số. Mặc dù tiếp thị kỹ thuật số đã chiếm lĩnh thế giới, các nhà quảng cáo vẫn không thể hoàn toàn bỏ bê các kênh truyền thông truyền thống như TV, đài phát thanh và báo chí để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Nó được xem như một phần quan trọng trong chiến lược marketing mix.
Ngày nay, vẫn có những ngóc ngách, địa điểm, nơi mà tiếp thị kỹ thuật số không hoạt động. Ví dụ, các vùng nông thôn hoặc những nơi chưa tiếp cận internet. Trong những trường hợp như thế, dường như các kênh tiếp thị truyền thống đóng một vai trò lớn và có thể là độc nhất trong hình trình nhận thức thương hiệu của họ. Từ đó, mức độ tin tưởng vào các kênh truyền thông truyền thống sẽ cao hơn so với các kênh truyền thông số, thứ mà họ còn khá xa lạ.
Ngay cả những mặt hàng xa xỉ hay sản phẩm đặc thù cũng đòi hỏi nhà quảng cáo phải sử dụng kênh tiếp thị truyền thống vì những hiệu quả mà nó mang lại.
Tiếp thị truyền thống ở khắp mọi nơi. Từ nhân viên bán hàng đến thăm hỏi khách hàng đến biển quảng cáo lớn trên con phố sầm uất. Thậm chí, các tổ chức xã hội, sức khỏe còn sử dụng các phương pháp này để nâng cao nhận thức của mọi người, giúp họ có cơ hội tiếp cận thông tin một cách linh hoạt nhất.
Tạm kết
Tóm lại, các doanh nghiệp cần lưu ý tầm quan trọng của marketing truyền thống trong mỗi chiến dịch truyền thông của mình với những lợi ích của phương pháp này mang lại như độ phủ rộng, khả năng mang thông tin trực tiếp đến người dùng,… Đồng thời, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiếp thị truyền thống và kỹ thuật số chắc chắn sẽ mang lại nhiều thành công cho chiến dịch của bạn.